Thực phẩm an toàn đang là nhu cầu bức thiết, nhiều lợi ích; nhưng để người tiêu dùng chấp nhận thì vẫn chờ yếu tố thời gian.
NHÂN RỘNG MÔ HÌNH SẢN XUẤT, KINH DOANH
Thời gian gần đây, ở tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông sản sạch, an toàn, góp phần đáp ứng phần nào nhu cầu của người tiêu dùng. Tại huyện Tân Phước, mô hình sản xuất rau màu theo hướng hữu cơ, trồng trong nhà lưới không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang được Công ty TNHH Quê nhà Tiền Giang mở rộng quy mô. Phó Giám đốc Công ty TNHH Quê nhà Tiền Giang Lê Hồng Quân cho biết, do không sử dụng thuốc BVTV nên các loài sâu gây hại rau đều được bắt bằng tay. Đối với mô hình trồng rau màu trong nhà lưới, công ty còn nuôi ong để thụ phấn cho cây. Còn trong nuôi gà, heo, bò, công ty không dùng thức ăn do các công ty cung cấp, mà tự phối trộn với công thức riêng, đảm bảo không sử dụng kháng sinh, chất cấm.
Sơ chế rau tại HTX Rau an toàn Gò Công. |
Để đưa hạt gạo sạch đến với người tiêu dùng, trong năm qua Công ty Lương thực Tiền Giang đã triển khai trồng thử nghiệm giống lúa không sử dụng thuốc BVTV tại một số nơi trên địa bàn tỉnh. Bước đầu, mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo tiền đề để nhân rộng mô hình sản xuất gạo an toàn. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xã Tăng Hòa (huyện Gò Công Đông) Nguyễn Văn Nhẫn cho biết, vụ lúa thu đông thường bị sâu bệnh nhiều, việc sử dụng loại phân bón lá Avi (thay thế thuốc BVTV) giúp cây lúa có khả năng chống chịu được sâu bệnh. Theo tính toán, chi phí sản xuất lúa không sử dụng thuốc BVTV ngang bằng với kiểu sản xuất truyền thống, còn năng suất thì thấp hơn hoặc bằng với kiểu truyền thống. Về đầu ra, Công ty Lương thực Tiền Giang sẽ bao tiêu sản phẩm, với giá thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 1.000 đồng/kg.
Nhưng quan trọng hơn, sản xuất lúa không sử dụng thuốc BVTV đã cho ra thị trường hạt gạo sạch.
Đi cùng với các mô hình sản xuất, các cửa hàng thực phẩm sạch, an toàn cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Chị Nguyễn Ngọc Hương, chủ Cửa hàng Bách hóa Thực phẩm Ngọc Hương (phường 1, TP. Mỹ Tho) cho biết, các loại rau, củ bán ở cửa hàng đều có chứng nhận an toàn. Mỗi ngày, cửa hàng nhập hơn 10 kg rau các loại từ HTX Rau an toàn Gò Công và khoảng 40 kg rau, củ từ Đà Lạt (2 ngày/lần). Thời gian đầu, cửa hàng gặp nhiều khó khăn trong thu hút khách hàng lựa chọn các thực phẩm an toàn, sạch, nhưng qua thời gian kinh doanh, sức tăng trưởng các mặt hàng này đạt khoảng 10%. Hiện tại, đa phần các khách hàng là những cán bộ, công chức làm việc ở các cơ quan nhà nước.
Bên cạnh sản xuất theo hướng sạch, an toàn, Công ty TNHH Quê nhà Tiền Giang còn cho ra đời các cửa hàng phân phối thực phẩm do trang trại của công ty sản xuất. Ngoài cửa hàng ở TP. Hồ Chí Minh, công ty đã mở một số cửa hàng thực phẩm sạch tại huyện Tân Phước. Ông Quân cho biết, khi mở cửa hàng tại thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước), công ty đã nhận được sự hưởng ứng lớn từ người tiêu dùng. Doanh thu của cửa hàng duy trì ở mức 200 triệu đồng/tháng. Qua ghi nhận, 80% khách của cửa hàng làm việc ở các cơ quan nhà nước và dân buôn bán. Để tạo liên kết chuỗi từ sản xuất đến bàn ăn, tới đây công ty sẽ mở cửa hàng buôn bán các món ăn được chế biến từ chính thực phẩm của trang trại.
Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch Tiền Giang cũng đã hỗ trợ mở 2 Cửa hàng Nông sản Thực phẩm sạch, an toàn tại TP. Mỹ Tho. Theo Cửa hàng Nông sản Thực phẩm sạch, an toàn An Phát (phường 4, TP. Mỹ Tho), đến nay cửa hàng đã hoạt động được khoảng 5 tháng. Khi mới thành lập, lượng khách của cửa hàng còn khá khiêm tốn. Đến nay, người tiêu dùng đã dần quen với thực phẩm an toàn, từ đó doanh thu của cửa hàng cũng tăng theo từng tháng.
THỊ TRƯỜNG VẪN GẶP KHÓ
Nhu cầu cao, nhưng nhìn chung thực phẩm an toàn, sạch vẫn đang “khó” đầu ra. Đó là một trong những nghịch lý trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn, sạch lâu nay. Có thể nhận thấy, mặc dù tâm lý người tiêu dùng đã dần thay đổi, nhưng không thể phủ nhận thực phẩm an toàn, sạch vẫn còn “lép vế”. Một số cửa hàng thực phẩm sạch, an toàn vẫn trong tình trạng “đói” khách. Cụ thể, trong 2 Cửa hàng Nông sản Thực phẩm sạch, an toàn tại TP. Mỹ Tho, sau khoảng thời gian hoạt động, chỉ có một cửa hàng còn hoạt động tương đối ổn định.
Ngày càng có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. |
Quyền Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch tỉnh Nguyễn Văn Cường cho rằng, nguyên nhân của việc tổ chức Cửa hàng Nông sản Thực phẩm sạch, an toàn tại TP. Mỹ Tho mang lại không như mong muốn là do sự hưởng ứng trong tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn của người dân còn nhiều hạn chế. Song, việc tổ chức thành công Cửa hàng Nông sản Thực phẩm sạch, an toàn còn phụ thuộc lớn vào khả năng quản lý, điều hành của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp; khả năng đàm phán với các đối tác. Bên cạnh đó, khả năng tài chính của doanh nghiệp cũng rất quan trọng, bởi khi đứng ra kinh doanh, giai đoạn đầu phải gặp nhiều khó khăn. Do đó, doanh nghiệp cần có nguồn vốn đảm bảo để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn này. |
Theo giới kinh doanh, nguyên nhân là do mẫu mã nông sản sạch, an toàn không bắt mắt như sản xuất theo kiểu truyền thống. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cao nên giá bán trên thị trường cũng cao hơn. Do đó, việc đưa thực phẩm an toàn, sạch đến tay người tiêu dùng đang là bài toán khó không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước, mà còn đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Thực trạng này là do người tiêu dùng vẫn còn có thói quen mua thực phẩm tại các chợ truyền thống, lề đường… vì sự tiện lợi. Tâm lý của người tiêu dùng chưa hoàn toàn tin tưởng vào thực phẩm sạch, an toàn từ những cơ sở, cửa hàng cung ứng thực phẩm an toàn. Chị Nguyễn Ngọc Hương, chủ Cửa hàng Bách hóa Thực phẩm Ngọc Hương thẳng thắn nhìn nhận: “Cái khó trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn là phải làm sao chứng minh cho người tiêu dùng thấy sản phẩm đó thật sự an toàn. Bởi lẽ, ở địa bàn tỉnh có nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, nhưng nguồn gốc hàng hóa, chất lượng vẫn còn là dấu hỏi”.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng theo nhận định của giới kinh doanh, thị trường thực phẩm sạch, an toàn đang có những chuyển biến tích cực. Phó Giám đốc Công ty TNHH Quê nhà Tiền Giang Lê Hồng Quân cho biết, sau khi thất bại trong việc mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch tại TP. Hồ Chí Minh cách đây 3 năm do nhu cầu tiêu dùng chưa cao, hiện nay việc kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn đang rộng mở. Nguyên nhân được cho là người tiêu dùng dần thay đổi thói quen tiêu dùng. Do đó, để thực phẩm sạch, an toàn tạo được sức lan tỏa, giới kinh doanh cho rằng, trước hết các nhà sản xuất, kinh doanh cần khẳng định được chất lượng. Cùng với đó là sự đồng hành của người tiêu dùng để thực phẩm sạch, an toàn “bám rễ” vào các bếp ăn.
MINH THÀNH