Trong bối cảnh toàn cầu hóa, xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp cộng với sự hiểu biết về văn hóa kinh doanh các nước nói riêng và xu hướng của quốc tế nói chung sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam hội nhập tốt hơn và kinh doanh bền vững hơn.
Nói như TS. Ngô Văn Lệ – Chủ tịch Hội Dân tộc học – Nhân học TP.HCM tại tọa đàm quốc tế về Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra vào sáng 21/11 thì, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển. Nếu không hiểu biết về văn hóa của cộng đồng cư dân một vùng miền, khu vực cụ thể, doanh nghiệp sẽ không thể đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường đó.
Nhật Bản: Kinh doanh để 3 bên cùng có lợi
Trên thực tế, các công ty tại nhiều quốc gia đều có xu hướng xây dựng văn hóa doanh nghiệp với những nét đặc trưng riêng, đồng thời mang những nét tương đồng với cộng đồng doanh nghiệp mình. Nếu hiểu biết về những nét văn hóa này, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dễ dàng hợp tác làm ăn, giao thương với họ hơn.
Nhiều năm tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản, TS. Tô Bình Minh – Phó viện trưởng, Giám đốc Phân viện phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC) tại TP.HCM chia sẻ về một số bài học từ văn hóa cộng đồng, doanh nghiệp Nhật Bản. Chẳng hạn, người Nhật quan niệm người kinh doanh trước hết phải xuất phát từ cái tâm, lợi nhuận lấy từ xã hội thì phải phục vụ lại cho xã hội. Đồng thời, người Nhật còn chú trọng tính tập thể, tính nghi thức, xem trọng tính tiết kiệm, sạch sẽ, ngăn nắp…
TS. Minh nêu dẫn chứng: “Trong khi thế giới đề cao mối quan hệ kinh doanh win-win (đôi bên cùng có lợi) thì quan điểm của người Nhật phải là 3 bên cùng có lợi: anh thắng, tôi thắng, cộng đồng thắng. Họ không thực hiện những dự án không đem lại lợi ích cho xã hội… Một chuyên gia Nhật Bản khi đến giảng dạy tại Việt Nam đã có một câu nói khiến nhiều doanh nhân Việt Nam tâm đắc: Tâm thay đổi dẫn đến thái độ thay đổi, thái độ thay đổi thì hành vi thay đổi, hành vi thay đổi thì thói quen thay đổi, thói quen thay đổi thì nhân cách thay đổi, nhân cách thay đổi thì số phận thay đổi, số phận thay đổi thì cuộc đời thay đổi”.
Indonesia: Quyết định kinh doanh được thực hiện tại… bàn cà phê
Không chỉ ở cấp độ quốc gia, văn hóa doanh nghiệp ở mỗi khu vực trên thế giới cũng có những nét đặc thù riêng. Theo TS. Deddy Marciano (Đại học Surabaya, Indonesia), một nét đặc thù của kinh tế châu Á là có nhiều doanh nghiệp gia đình. Trên thế giới, doanh nghiệp gia đình là thành phần trọng yếu của nhiều nền kinh tế, nhưng riêng tại châu Á, loại hình doanh nghiệp gia đình chiếm đến khoảng 90% các thành phần kinh tế. Tại Indonesia, 90% doanh nghiệp là công ty gia đình (theo số liệu từ nhật báo Pikiran Rakyat năm 2006), đóng góp 82% vào GDP nước này (theo Viện Thống kê Badan Pusat Statistik năm 2001). Thị trường chứng khoán Indonesia cũng có 40% doanh nghiệp gia đình.
Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp gia đình có vai trò sống còn đối với GDP của quốc gia Đông Nam Á này, tuy nhiên, theo chuyên gia của Đại học Surabaya, chỉ có 27% doanh nghiệp gia đình tại Indonesia tồn tại và tăng trưởng tốt đến thế hệ thứ hai, con số này chỉ còn 8% ở thế hệ thứ ba. Bởi lẽ, khoảng cách thế hệ vẫn là vấn đề còn tồn tại trong loại hình doanh nghiệp này. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và các nước khác nói chung khi có nhu cầu đầu tư, hợp tác làm ăn với doanh nghiệp Indonesia, cần cân nhắc lựa chọn doanh nghiệp hết sức kỹ càng.
TS. Marciano còn cho biết, doanh nghiệp Indonesia rất chú trọng yếu tố cái “tâm” và niềm tin, nên nếu muốn hợp tác với họ, trước tiên, các doanh nghiệp nước bạn cần phải khiến họ tin tưởng. “Có một đặc điểm độc đáo nữa là các quyết định làm ăn của họ thường được thực hiện thông qua các buổi cà phê nhiều hơn là tại các cuộc họp”, ông chia sẻ thêm.
Doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng văn hóa kinh doanh
Theo TS. Lư Nguyễn Xuân Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu N.P.T, văn hóa kinh doanh là giá trị cốt lõi, đóng góp vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên tại Việt Nam, văn hóa kinh doanh lại không ổn định, dễ dàng thay đổi theo các yếu tố ngoại cảnh.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) nhận xét thêm, vì phần lớn doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô nhỏ và vừa, nên được quản lý chủ yếu theo kiểu gia đình, chưa chú trọng đến tầm nhìn chiến lược, tinh thần hợp tác trong cộng đồng cũng chưa cao. Từ đó, LS. Hưng đề xuất, doanh nghiệp Việt cần xem xu thế hội nhập là cơ hội để tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
TS. Phạm Viết Thuận – Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM cũng nhấn mạnh, trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lãnh đạo doanh nghiệp phải có hiểu biết về khoa học kỹ thuật và các xu hướng của thế giới thì mới có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công.
“Thực tế nhiều doanh nhân Việt Nam còn chưa nắm rõ được các thông tin đầy đủ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới. Chẳng hạn, ở một trong 3 lĩnh vực của cuộc cách mạng này là Công nghệ sinh học (bên cạnh Kỹ thuật số và Vật lý), thế giới đang nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường… Đặc biệt, vấn đề về sức khỏe được quan tâm ngày càng nhiều hơn, xu hướng sắp tới là quay trở lại với hệ sinh thái tự nhiên, giảm bớt sự dung nạp hóa chất vào cơ thể người. Nắm bắt được các xu hướng này, doanh nghiệp Việt sẽ xây dựng đường hướng kinh doanh phù hợp và bền vững hơn”, TS. Thuận phân tích.
Để loại bỏ tư duy chỉ “lo kinh doanh cho có lãi trước đã” của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, TS. Lệ nhận định, yếu tố văn hóa nên được truyền thông rộng rãi hơn nữa để mọi doanh nghiệp Việt Nam đều nắm bắt được vai trò của nó trong sự phát triển của doanh nghiệp, từ đó xây dựng nền tảng văn hóa kinh doanh cho riêng doanh nghiệp cho mình, nhằm nâng cao trình độ quản lý cũng như năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp nội địa.