Đó là chủ đề Hội thảo do UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đồng tổ chức nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác giữa Tiền Giang nói riêng và các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung với các đối tác Ấn Độ trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản. Hội thảo dự kiến sẽ thu hút trên 250 đại biểu tham dự đến từ Ấn Độ, một số bộ ngành Trung ương, UBND và các sở ngành của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL cùng cộng đồng các doanh nghiệp của Ấn Độ và ĐBSCL, dự kiến diễn vào ngày 28-11-2017.
Nội dung hội thảo bao gồm: Phiên khai mạc và 2 phiên chính thức; trong đó Phiên I tập trung vào chủ đề: “Nhìn lại thực trạng phát triển của ngành nông nghiệp – thủy sản Vùng ĐBSCL, cơ hội hợp tác với Ấn Độ trong phát triển nông nghiệp và thủy sản” và Phiên II là phiên “Đối thoại chính sách” sẽ là diễn đàn cho các cơ quan, doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu thông tin về các điều kiện cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi đầu tư của các tỉnh, thành Vùng ĐBSCL.
Đồng thời, các cơ quan, doanh nghiệp trong nước thông qua diễn đàn sẽ tìm hiểu về các chính sách về thuế quan, hàng rào kỹ thuật, điều kiện ưu đãi đầu tư, dịch vụ logistics, các đối tác xuất nhập khẩu hàng hóa – dịch vụ… phục vụ cho quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa sang Ấn Độ và ngược lại. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng bố trí một không gian triển lãm giới thiệu về các tiềm năng, thế mạnh, chính sách ưu đãi đầu tư, các dự án kêu gọi đầu tư… của các tỉnh, thành và một bàn tiếp xúc doanh nghiệp cho riêng từng địa phương.
Hội thảo được kỳ vọng mở ra hướng đi mới cho ngành Nông nghiệp. |
Vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung nằm trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đang trở thành trung tâm của quyền lực toàn cầu trong thế kỷ XXI, là nơi tập trung những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ấn Độ không phải là một quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng với vị trí địa lý cận kề, quy mô dân số trên 1,2 tỷ người (năm 2014), diện tích 3,3 triệu km2, tầm ảnh hưởng về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hóa, quốc phòng – an ninh đối với khu vực là rất lớn.
Việt Nam – Ấn Độ có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp lâu đời và năm 2007, hai nước đã nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ nhiều lần khẳng định Việt Nam là một trong những trụ cột trong Chính sách Hướng Đông của mình và các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng coi Ấn Độ là đối tác đặc biệt quan trọng có cùng chia sẻ nhận thức chung về các vấn đề lớn trên trường quốc tế. Quan hệ Việt Nam – Ấn Độ hiện đang phát triển sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội đến quốc phòng – an ninh.
Với Ấn Độ, Việt Nam là cầu nối với Đông Nam Á còn với Việt Nam, Ấn Độ là đối tác tin cậy hàng đầu có thể giúp Việt Nam phát triển nội lực và củng cố môi trường an ninh. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong tương lai vẫn còn rất lớn, bởi càng ngày Việt Nam và Ấn Độ càng nhận thức rõ rằng, hai nước có rất nhiều lợi ích chiến lược chung trong phát triển kinh tế – thương mại và duy trì một khu vực châu Á – Thái Bình Dương ổn định, hòa bình, phát triển. Do vậy, Hội thảo lần này là cơ hội hết sức thuận lợi để chính quyền các tỉnh, thành Vùng ĐBSCL và cộng đồng các doanh nghiệp Ấn Độ và ĐBSCL kết nối, tìm hiểu các dự án hợp tác, phát triển trong tương lai.
A. P