Biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực phía Đông. Việc cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thực tế là yêu cầu cấp bách. Từ đó, hàng ngàn ha lúa ở huyện Gò Công Đông đã chuyển đổi sang trồng hoa màu, cây ăn trái; trong đó, cây thanh long đã “bén rễ” và đang mở ra một triển vọng lớn cho người dân ven biển.
Vườn thanh long trên nền đất lúa ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông. |
THANH LONG XỨ GÒ
Về vùng đất giáp biển xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông), chúng tôi đi đâu cũng nghe người dân bàn tán xôn xao về mô hình trồng thanh long khá hiệu quả. Họ trao đổi về kỹ thuật, giá cả và tính chuyển hầu hết diện tích trồng lúa, trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ. Ông Võ Văn Ra, ấp Xóm Chủ là một trong những người trồng thanh long ruột đỏ đầu tiên trên vùng đất nhiễm mặn của xã Kiểng Phước. Hiện tại gia đình ông trồng được 4,5 công 5 năm tuổi, 3 công 4 năm tuổi, 2,5 công 2 năm tuổi.
Trong lúc dẫn chúng tôi tham quan vườn thanh long ruột đỏ đang mùa trái chín, ông Ra tâm sự: “Mấy năm gần đây, mô hình trồng sơri của gia đình luôn gặp cảnh “được mùa mất giá”, khô hạn hoành hành, lỗ lã triền miên. Suy nghĩ trồng cây gì, con gì cho thích hợp với vùng đất này thì có người quen ở vùng Chợ Gạo mách bảo trồng thanh long. Suy đi, tính lại và cuối cùng chọn cây thanh long ruột đỏ trồng thử nghiệm. Ban đầu, tôi phá vườn sơri và đặt thanh long xuống, ai cũng hoài nghi và nghĩ tôi “có vấn đề”. Khoảng 1 năm chăm bón, 1,5 công thanh long ruột đỏ của vụ đầu tiên thu được hơn 60 triệu đồng. Sau đó, các vụ tiếp theo đều bán cao hơn so với vụ trước”.
Thấy ông Ra trồng thanh long đạt hiệu quả cao, người dân xung quanh cũng phá bỏ vườn cây ăn trái, chuyển đất lúa sang trồng thanh long. Ông Trần Văn Hảo, ấp Xóm Tựu cũng trồng 5,5 công thanh long ruột đỏ, 2,5 công thanh long ruột trắng từ nền đất lúa. Thanh long của ông hiện được 2 – 3 năm tuổi và thu hoạch trên 10 đợt trái. Ông Hảo cho biết: “Trồng thanh long thấy mà ham. Năm rồi, 2,5 công thanh long ruột đỏ bán được trên 200 triệu đồng, cao gấp 10 lần trồng lúa. Hiện tại, tui cũng đang tính mướn đất để lên liếp trồng thanh long”.
Theo người dân, chất lượng, màu sắc và trọng lượng của trái thanh long nơi đây khác xa so với các vùng Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước… Bởi que của trái rất cứng, vị ngọt mặn, trái rất to (có trái từ 1 – 1,1 kg), ít nước; giá của thanh long nơi đây cao hơn các vùng khác từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Điều đặc biệt, thương lái rất thích thanh long của vùng đất nhiễm mặn này vì có mùi vị rất đặc trưng và trái đạt loại xuất khẩu chiếm trên 80%.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quý phấn khởi cho biết, việc đưa cây thanh long về vùng đất mặn là một trong những bước đi đột phá của ngành Nông nghiệp huyện biển. Bởi sau khi cây trồng này “bén rễ” đã làm cho kinh tế hộ dân nâng lên, thu nhập cao gấp 10 lần trồng lúa. Dự kiến, đến năm 2025, toàn huyện sẽ có 250 ha trồng cây thanh long. Ngoài ra, trong tháng 12-2017, HTX Thanh long Kiểng Phước ra đời để đáp ứng nhu cầu của các hộ dân.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa đã đi thị sát vùng trồng thanh long và đã đánh giá rất cao mô hình này. Bởi đây là vùng đất khó khăn về nước ngọt khi vào mùa khô hạn, nhưng nông dân đã chủ động chuyển đổi từ đất lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái, đặc biệt là cây thanh long.
CHÚ TRỌNG CẮT VỤ, CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG
Thực hiện theo chủ trương cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, cũng như của địa phương, ông Lê Minh Nguyên, ấp Gò Me, xã Bình Ân (huyện Gò Công Đông) đã chuyển 4 công đất lúa sang trồng rau ăn lá. Bởi đây là chủ trương đúng đắn, vì mấy năm gần đây, người trồng lúa gặp nhiều khó khăn do hạn, mặn, sâu bệnh hoành hành, giá cả bấp bênh… Chính vì thế, khi nghe thông tin chuyển đổi cơ cấu câu trồng, ông liền bỏ cây lúa để chuyển sang trồng màu, nhằm nâng cao thu nhập.
Tương tự, gia đình bà Trần Thị Bảy, ấp Xóm Rẫy, xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) cũng đã bỏ 2 công lúa ở vụ hè thu 2017 vừa qua. Theo bà Bảy, những năm gần đây, vào mùa khô hạn thì việc thiếu nước ngọt cho sản xuất lúa là chuyện xảy ra thường xuyên. 2 công đất lúa của bà cũng chịu cảnh thiếu nước nên lem lép hạt rất nhiều, thu hoạch không được bao nhiêu, lỗ vốn triền miên… Hiện gia đình bà đã chuyển diện tích này sang trồng rau màu. Bước đầu, thu nhập cao gấp 2 – 3 lần trồng lúa.
Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Gò Công Đông cho biết, trong năm 2017, huyện Gò Công Đông dự kiến cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ, cây trồng với diện tích gần 5.000 ha. Trong đó, diện tích cắt vụ (hè thu/thu đông) khoảng 4.600 ha, diện tích chuyển sang trồng màu khoảng 155 ha, diện tích chuyển sang trồng cây ăn trái khoảng 30 ha, diện tích chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi khoảng 36 ha.
Việc cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ trên địa bàn huyện Gò Công Đông đã mang lại hiệu quả, thu nhập của người dân tăng lên. “Cơ bản đến năm 2020, toàn vùng Dự án ngọt hóa Gò Công thuộc huyện Gò Công Đông chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm hoặc luân canh lúa – màu. Tổng diện tích phải thực hiện cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ đến năm 2020 là 10.220 ha; trong đó, thực hiện cắt vụ 9.709 ha, chuyển sang trồng màu chuyên canh khoảng 163 ha, chuyển sang trồng cây ăn trái 157 ha và chuyển vụ trên 4.000 ha (trên đất 3 vụ lúa/năm) của 11 xã, 2 thị trấn của huyện. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục bố trí lại cơ cấu sản xuất, cơ cấu mùa vụ theo hướng cắt vụ hè thu, giảm diện tích gieo trồng lúa đối với những vùng có nguy cơ thiếu nước cuối nguồn bị thiệt hại hằng năm; tiếp tục áp dụng các mô hình luân canh, xen canh, đa canh… vừa nhằm ổn định sản xuất, vừa đạt được giá trị cao trên đơn vị diện tích và ổn định thu nhập cho người dân” – Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Gò Công Đông nói.
SĨ NGUYÊN