Phát triển công nghiệp đi vào chiều sâu, theo hướng đa ngành, đa sản phẩm dựa vào lợi thế, tiềm năng là một trong những nội dung cốt lõi được đặt ra trong Nghị quyết 10-NQ/TU về phát triển kinh tế – đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy.
Dây chuyền chế biến sôcôla từ hạt ca cao của Công ty TNHH MTV Sôcôla Kim My, huyện Châu Thành. |
Công nghiệp (CN) trở thành một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh, đóng góp lớn cho kinh tế – xã hội của địa phương trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cùng với xu thế chung của cả nước, ngành CN Tiền Giang cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định. Trước thực tiễn đang được đặt ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển CN trên địa bàn tỉnh được đề cập trong Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy là triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tái cấu trúc ngành CN tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; đồng thời thu hút đầu tư phát triển CN hỗ trợ, CN công nghệ cao, CN chế biến, CN phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, CN gắn với các sản phẩm có lợi thế so sánh của tỉnh và không phát triển mới các ngành CN gây ô nhiễm ở các khu, cụm công nghiệp (CCN). Kèm theo đó là phát triển CN theo hướng đa ngành, đa sản phẩm dựa vào lợi thế và tiềm năng, nguồn lực, đảm bảo chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng hành với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư, thu hút đầu tư phát triển các công trình, dự án trọng điểm của từng vùng và kết nối, liên kết vùng; tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng nhanh ngành CN và nâng cao chất lượng tăng trưởng phù hợp với lộ trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Trên cơ sở lợi thế và tiềm năng hiện hữu, việc phát triển CN ở từng vùng kinh tế cũng được xác định một cách cụ thể, gắn chặt với nội vùng và liên kết vùng. Chẳng hạn, đối với Vùng kinh tế – đô thị Trung tâm sẽ thu hút đầu tư phát triển CN theo chiều sâu, CN công nghệ cao, CN chế biến nông – thủy sản, CN hỗ trợ, hàng tiêu dùng; ưu tiên phát triển CN sạch, ít ô nhiễm môi trường.
Song song đó là tiếp tục đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng của vùng, nâng chất Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Tho, KCN Tân Hương, thực hiện quy hoạch kết nối hạ tầng CCN Trung An vào KCN Mỹ Tho; giai đoạn 2020 – 2030, phấn đấu thu hút đầu tư và thành lập mới các CCN như: Tân Lý Đông, Long Hưng, Chợ Gạo… Để thực hiện được mục tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng được UBND tỉnh giao cho lãnh đạo TP. Mỹ Tho chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc phát triển các khu, CCN là đáp ứng nhu cầu lao động, an ninh trật tự, môi trường; phối hợp trong đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các CCN Trung An, Tân Mỹ Chánh, hạn chế mở rộng diện tích đất CN – tiểu thủ CN, từng bước di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất CN ô nhiễm ra khỏi đô thị theo đề án của tỉnh, thu hút phát triển CN sạch trong đô thị…
Đối với Vùng kinh tế – đô thị phía Tây, kế hoạch phấn đấu đến năm 2020 lấp đầy 100% diện tích KCN Long Giang; đồng thời mời gọi đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Tân Phước 1, KCN Tân Phước 2, tiếp tục triển khai thực hiện các CCN đã được phê duyệt, phát triển hoàn thiện CCN An Thạnh 1; phấn đấu đến năm 2020 thu hút đầu tư và thành lập mới các CCN như: An Thạnh 2, Mỹ Thuận, Mỹ Phước Tây, Thạnh Tân. Ngoài ra, tỉnh cũng nghiên cứu tổ chức mời gọi đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thêm các CCN như: Mỹ Đức Đông, Hậu Thành, Long Trung.
Trên cơ sở định hướng phát triển CN của từng vùng cụ thể, Đề án “Tái cấu trúc ngành CN tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” vừa được UBND tỉnh phê duyệt cũng đã nhấn mạnh vào việc chú trọng tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng các ngành CN chế biến lương thực – thực phẩm tại Vùng kinh tế – đô thị phía Tây. Chẳng hạn như sắp xếp và tổ chức lại các doanh nghiệp xay xát nhằm sử dụng có hiệu quả đồng vốn, thiết bị ngành chế biến lương thực; tổ chức và phát triển các khu vực chuyên chế biến lương thực xuất khẩu nhằm tập trung các nguồn lực về vốn, lao động, công nghệ. Đối với ngành CN chế biến thủy – hải sản, tỉnh sẽ khuyến khích các doanh nghiệp hiện có đầu tư nâng cấp điều kiện nhà xưởng, hiện đại hóa thiết bị, đổi mới dây chuyền công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đa dạng hóa mặt hàng, chuyển dần từ chế biến thô sang chế biến tinh, tăng tỷ trọng cá tra làm sẵn, ăn liền…
Riêng đối với Vùng kinh tế – đô thị phía Đông, chủ trương chung của tỉnh là chuẩn bị triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước…), nguồn nhân lực để thu hút đầu tư phát triển CN khu vực ven sông Soài Rạp, Vàm Cỏ; thu hút đầu tư khai thác hạ tầng các khu, CCN đã quy hoạch; trong đó thực hiện tiếp nhận và mời gọi đầu tư KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp; đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng 2 CCN Gia Thuận 1 và Gia Thuận 2.
Chưa kể địa phương, các ngành có liên quan sẽ xúc tiến việc thành lập và thu hút đầu tư CCN Long Bình (huyện Gò Công Tây) với diện tích 20 ha, CCN Mỹ Lợi (TX. Gò Công) với diện tích 50 ha. Điểm nhấn trong phát triển CN của vùng kinh tế này là bên cạnh mời gọi đầu tư các CCN Long Bình, Vĩnh Hựu, Đồng Sơn, Gia Thuận, Mỹ Lợi, tỉnh còn chú trọng thu hút các doanh nghiệp may mặc, các nhà máy xay xát và kho bảo quản nông sản cặp tuyến sông Tra và sông Cửa Tiểu; đầu tư, thu hút đầu tư một số ngành có lợi thế như chế biến thủy sản, hàng nông sản (mãng cầu, cây sả).
Ngoài đầu tư và thu hút đầu tư các ngành CN có lợi thế ở từng vùng kinh tế, tỉnh còn chú trọng vào ngành CN hỗ trợ. Chẳng hạn, đối với ngành dệt may, trên cơ sở phát triển ngành CN như: Ngành cơ khí sản xuất linh kiện phụ tùng; ngành sản xuất hóa chất cho ngành dệt may, giày dép, nguyên phụ kiện cho ngành may mặc; kêu gọi đầu tư một số cơ sở sản xuất phụ liệu ngành may như chỉ may, khóa kéo, cúc nhựa; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các sản phẩm vải kỹ thuật, vải không dệt, vải giả da; đồng thời đầu tư các sản phẩm thêu, in trên các loại vải, giấy, bao bì…
Song song đó là quan tâm phát triển ngành CN đóng mới và sửa chữa phương tiện giao thông vận tải trên cơ sở nâng cấp công suất các cơ sở sản xuất, gia công sửa chữa cơ khí, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, sà lan hiện có trên địa bàn tỉnh như: Công ty cổ phần Cơ khí Tiền Giang, Hợp tác xã Rạch Gầm, Xưởng cơ khí của Doanh nghiệp tư nhân Đổng Kim Long; đồng thời xây dựng mới một số cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền tại huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo với các sông, kinh chính như: Sông Tiền, sông Vàm Cỏ, rạch Kỳ Hôn, rạch Lá kinh 28 và một số sông nhánh như: Sông Ba Rài, Trà Lọt, Cái Cối, Cái Thia… dựa trên cơ sở tăng cường năng lực đóng mới tàu, với loại tàu 1.000 – 2.000 DWT, công suất sửa chữa từ 300 – 500 lượt chiếc/năm và đóng mới 150 chiếc/năm.
PHƯƠNG ANH
Nguồn: http://baoapbac.vn/kinh-te/201710/phat-trien-cong-nghiep-di-vao-chieu-sau-759956/