Vận động cơ thể ít nhất sau mỗi nửa tiếng có thể giúp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của việc ngồi thường xuyên hoặc lối sống lười nhác, theo một nghiên cứu mới. Từ lâu, chúng ta đã biết việc ngồi nhiều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ cơ thể và đặc biệt là có thể làm gia tăng nguy cơ tử vong.
“Nếu bạn ngồi làm việc suốt ngày hay ngồi ở nhà quá nhiều, bạn nên chú ý đến việc nghỉ ngơi nhiều nhất có thể và ít nhất là sau mỗi 30 phút”, Keith Diaz đến từ Trung tâm Y tế Đại học Columbia, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết. Thậm chí nếu bạn là một người có thói quen tập thể dục, bạn vẫn cần phải quan tâm đến việc nghỉ ngơi hoặc vận động trong suốt ngày nhằm tránh tác hại của việc ngồi quá nhiều.
Trình bày trên tạp chí Y khoa Quốc tế Annals, Diaz và các cộng sự của ông đến từ 7 tổ chức nghiên cứu của Mỹ đã mô tả quá trình họ đưa ra kết quả nêu trên, thông qua phân tích dữ liệu ghi nhận từ năm 2009 đến 2013 ở gần 8.000 người từ 45 tuổi trở lên trên khắp nước Mỹ. Mỗi tình nguyện viên phải đeo một bộ theo dõi vận động ít nhất 4 ngày trong tuần và số người tử vong cũng được thống kê cho đến tháng 9/2015.
Kết quả cho thấy trung bình trong 16 tiếng thức của một ngày, mọi người thường không vận động suốt 12.3 tiếng, mỗi một đợt không vận động tốn trung bình 11.4 phút. Sau khi xem xét đến một loạt các yếu tố khác bao gồm tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn, thói quen hút thuốc và tình trạng cao huyết áp, nhóm chuyên gia phát hiện thấy cả thời gian không vận động trong một ngày và thời gian ngồi đều có liên quan đến nguy cơ tử vong. Điều này thậm chí đúng với những người tham gia hoạt động thể dục vừa và mạnh.
Những người không vận động 13,2 tiếng trong một ngày có nguy cơ tử vong gấp 2,6 lần so với người không vận động 11,5 tiếng một ngày, trong khi những người không vận động trong thời gian trung bình 12,4 phút hoặc hơn có nguy cơ tử vong gấp 2 lần so với nhóm không vận động trong trung bình 7,7 phút.
Nhóm nghiên cứu sau đó bắt đầu phân tích mức độ tương tác giữa cả 2 yếu tố để tìm nguy cơ tử vong ở những người vừa có thời gian không vận động tổng thể lâu (hơn 12,5 tiếng/ngày), vừa có thời gian không vận động trung bình mỗi đợt lâu hơn (trên 10 phút). “Chúng tôi cố gắng để hiểu tác động tiêu cực của thói quen ngồi nhiều, về thời gian mà bạn ngồi trong ngày cũng như thời gian ngồi của từng đợt. Không may là cả 2 đều bất lợi cho sức khoẻ của bạn”, Diaz cho biết.
Phân tích kỹ hơn về cách mọi người phân phối thời gian vận động và không vận động, các chuyên gia nhận thấy những người giữ thời gian bất động (không di chuyển) dưới 30 phút trước khi vận động có nguy cơ tử vong thấp nhất. Ngoài ra, họ cũng phát hiện việc nghỉ ngơi lâu hơn và thường xuyên hơn không mang lại hiệu quả tốt hơn.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên tác hại của việc không vận động trong thời gian dài đến sức khoẻ được đưa ra phân tích, tuy nhiên, nhóm các chuyên gia thuộc nghiên cứu vừa công bố cho biết điểm nổi trội hơn ở nghiên cứu của họ nằm ở những bộ theo dõi vận động, thay vì chỉ dựa vào báo cáo của các tình nguyện viên vốn thiếu chính xác.
Dù vậy, các nhà khoa học cũng lưu ý rằng nghiên cứu không chính minh được việc không vận động sẽ dẫn đến tử vong và thông tin thu thập được từ những người được theo dõi cũng không cho biết trong thời gian không vận động, họ đã ngồi yên hay đứng yên một chỗ.
Ngoài ra, các yếu tố khác như thói quen hút thuốc hay huyết áp chỉ được ghi nhận một lần, nghĩa là sự thay đổi về sức khoẻ và thói quen theo thời gian đã không được xét đến. Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định, tuy nhiên nghiên cứu phần nào đó chỉ ra được tầm quan trọng của việc vận động sau một thời gian làm việc.
“Bạn chỉ cần làm những việc đơn giản như đứng dậy trả lời điện thoại, hay mỗi lần đi lấy nước thì chỉ lấy 1/2 cốc thôi để bạn có thêm lý do để vận động khi uống hết nước”, tiến sĩ Mike Loosemore đến từ Viện thể dục thể thao và sức khoẻ, cho biết. “Hãy tìm một cái cớ buộc bạn phải đứng dậy và đi lòng vòng sau mỗi nửa giờ là được”.
Tham khảo: The GuardianNguồn: https://tinhte.vn/threads/cu-nua-tieng-van-dong-co-the-1-lan-se-lam-giam-tac-dong-tieu-cuc-cua-loi-song-luoi-di-chuyen.2729255/