Nâng cao chất lượng đô thị, nhất là các đô thị trung tâm, theo hướng văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường là một trong những mục tiêu quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển 3 vùng kinh tế – đô thị của tỉnh.
Tập trung hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I của TP. Mỹ Tho. |
Một trong những nội dung chính về phát triển đô thị được đề cập trong Nghị quyết 10-NQ/TU
về phát triển kinh tế – đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy là tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và chỉnh trang, phát triển các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường. Song song đó là tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị cơ bản hoàn thiện, đồng bộ tại các đô thị trung tâm của 3 vùng kinh tế (TP. Mỹ Tho, TX. Cai Lậy và TX. Gò Công), phù hợp với đặc thù, quy mô phát triển của từng vùng. Tiếp đó là việc phủ kín quy hoạch nông thôn làm cơ sở để từng bước phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới; đồng thời xây dựng đồng bộ và từng bước nâng cao chất lượng đô thị theo hướng hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị.
Nhìn một cách tổng thể, Vùng Trung tâm sẽ tập trung phát triển đô thị trung tâm TP. Mỹ Tho, nhằm tạo sự liên kết trong phát triển đô thị, tập trung hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I của đô thị này. Bên cạnh đó là tập trung mời gọi các dự án khu dân cư, nhà ở xã hội, xây dựng bờ kè, đường cặp sông Bảo Định trên địa bàn TP. Mỹ Tho; tập trung triển khai Dự án Đường Hùng Vương nối dài và khu dân cư 2 bên đường, tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển đô thị của Vùng Trung tâm. Song song đó là đầu tư trụ sở UBND huyện Chợ Gạo và khu tái định cư mở rộng kinh Chợ Gạo gắn với Dự án Nâng cấp kinh Chợ Gạo; đồng thời sớm hoàn thành công tác quy hoạch, triển khai đầu tư, thu hút đầu tư các đô thị Vĩnh Kim, Long Định…
Điểm nhấn quan trọng trong phát triển đô thị của Vùng Trung tâm có lẽ bắt đầu từ Dự án Đường Hùng Vương nối dài và khu dân cư 2 bên đường và Dự án Quảng trường trung tâm tỉnh, bởi đây là 2 dự án không chỉ mang ý nghĩa to lớn đối với TP. Mỹ Tho mà còn có tính kết nối, lan tỏa đối với các vùng lân cận.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Dự án Đường Hùng Vương nối dài và khu dân cư 2 bên đường có bề rộng tuyến quy hoạch đối với đoạn điển hình rộng 200 m (gồm bề rộng lộ giới đường chính 40 m và khu dân cư 2 bên hoặc thương mại dịch vụ có bề rộng mỗi bên 80 m); đoạn còn lại rộng 140 m (gồm bề rộng lộ giới đường chính 40 m và khu sử dụng hỗn hợp có bề rộng mỗi bên 50 m); mặt cắt điển hình bằng đường Hùng Vương hiện hữu với lộ giới 40 m. Bên cạnh đó là các công trình giao thông trên tuyến, gồm: Vòng xoay được nghiên cứu theo hướng đảm bảo điều tiết giao thông và công trình điểm nhấn, mỹ quan gồm 3 vòng xoay (2 vòng xoay chính nút Lương Phú giao với tuyến đường TP. Hồ Chí Minh – Long An – Tiền Giang và 1 vòng xoay phụ nút giao thông với đường vào trung tâm xã Lương Hòa Lạc, nơi dự kiến nâng lên thị trấn Bến Tranh). Dự án còn bao gồm 2 cầu qua kinh Bà Ngọt (phía Bắc quảng trường) và cầu qua sông Bảo Định (ranh giới giữa xã Lương Hòa Lạc và xã Long An). Theo dự kiến, thời gian đầu tư dự án từ 2018 – 2020, với kinh phí đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng. Hiện tại, Dự án Đường Hùng Vương nối dài và khu dân cư 2 bên đường đang được thực hiện các bước thủ tục theo quy định.
Trong khi đó, Dự án Quảng trường trung tâm tỉnh có quy mô diện tích theo quy hoạch ban đầu gần 44 ha tại xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho (trong đó diện tích sân lễ là 4,09 ha). Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình triển khai thực hiện thực tế gắn với yêu cầu đầu tư phát triển của TP. Mỹ Tho theo trục đường Hùng Vương kéo dài, ngày 8-3-2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 428/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Quảng trường trung tâm tỉnh (tỷ lệ 1/500), với diện tích 45,5 ha, bao gồm nhiều khu chức năng như: Khu tưởng niệm Bác Hồ và Đền thờ các vua Hùng, Quảng trường (sân lễ), Trung tâm Văn hóa thanh thiếu nhi, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục – thể theo, Bảo tàng, Thư viện, Trung tâm thương mại, Công viên cây xanh, Bãi xe, hệ thống giao thông…
Theo đó, khu Quảng trường (sân lễ) được điều chỉnh từ 4,09 ha xuống còn 3,66 ha, trong đó sân lễ chính vẫn giữ diện tích là 1,2 ha, với sức chứa khoảng 13.000 người; kết cấu hệ thống sân đường lát đá granite và bố trí hệ thống phun nước nghệ thuật trên sân, ghế ngồi nghỉ chân, hệ thống chiếu sáng, khu vệ sinh ngầm kết hợp với trồng cây xanh phù hợp với mô hình công viên. Ước tính tổng mức đầu tư cho khu Quảng trường (sân lễ) khoảng 90 tỷ đồng.
Về tiến độ thực hiện Dự án Quảng trường trung tâm tỉnh, hiện Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh đã hoàn chỉnh lại phương án theo ý kiến đóng góp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đã được UBND tỉnh thống nhất tại Công văn 2960/UBND-ĐTXD để làm cơ sở trình thẩm định, phê duyệt lại quyết định chủ trương đầu tư và dự án đầu tư theo quy định, sau đó tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, trình thẩm định và phê duyệt; tiến hành lập hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu thi công dự kiến vào quý IV năm 2017…
PHƯƠNG ANH
Theo kế hoạch, đối với Vùng phía Tây từ năm 2017 – 2020 sẽ tập trung phát triển đô thị TX. Cai Lậy, phấn đấu lên đô thị loại III vào năm 2020, phát triển đô thị trung tâm đóng vai trò là hạt nhân, động lực phát triển chính của vùng; phát triển TX. Cai Lậy gắn liền với việc phát triển các đô thị Cái Bè, Bình Phú, Mỹ Phước và trong tương lai sẽ phát triển các đô thị Hòa Khánh, Thiên Hộ, An Hữu. Bên cạnh đó là nghiên cứu quy hoạch các khu dân cư, khu thương mại – dịch vụ tại trung tâm TX. Cai Lậy để làm cơ sở tổ chức mời gọi đầu tư; tập trung đầu tư hoàn chỉnh các công trình hạ tầng kỹ thuật – Khu Trung tâm hành chính huyện Cai Lậy tại xã Bình Phú theo tiến độ, phát triển đô thị Bình Phú lên đô thị loại V và tiến tới thành lập thị trấn Bình Phú. Song song đó là đầu tư phát triển đô thị Mỹ Phước đạt chuẩn đô thị loại V trước năm 2020, phát triển đô thị gắn với phát triển của khu vực công nghiệp Đông Nam Tân Phước.
Vùng phía Đông sẽ tập trung phát triển đô thị TX. Gò Công với vai trò là trung tâm của vùng; tập trung đầu tư hoàn chỉnh đô thị trung tâm, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các khu dân cư, khu đô thị mới, thương mại – dịch vụ ở TX. Gò Công làm động lực để phát triển lan tỏa, kết nối với phát triển các đô thị như: Vàm Láng, Tân Hòa, Vĩnh Bình… Song song đó sẽ tập trung đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan hành chính, hạ tầng trung tâm và quy hoạch, đầu tư, thu hút đầu tư phát triển các khu dân cư, đô thị khu vực trung tâm hành chính mới của huyện Tân Phú Đông. |
Nguồn: baoapbac.vn