Cách vượt qua “tử thần” khi khởi nghiệp được chuyên gia quốc tế chia sẽ

0
12

Chia sẻ tại Hội nghị gặp gỡ giữa UBND TP Hà Nội và cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô vào chiều 25/8 chuyên gia Ili Adry (đến từ Israel) cho rằng, dự án khởi nghiệp cần học được cách “thoát”.

Ông Ili Adry cho rằng, hai nước Việt Nam và Israel nhìn khá giống nhau về mặt địa lý, cơ cấu dân số cũng như giai đoạn phát triển tương đương vì vậy kinh nghiệm khởi nghiệp của Israel hoàn toàn đủ khả thi để Việt Nam học tập kinh nghiệm. Hiện tại Isarel có 5.000 công ty công nghệ thuần túy, đứng số 1 thế giới về số lượng kết quả nghiên cứu khoa học/đầu người cũng như số giải nobel/đầu người, đứng thứ 2 thế giới về thu hút vốn đầu tư mạo hiểm.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia khác có khởi nghiệp phát triển, trung bình mỗi năm tại Israel có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời nhưng có tới 60-90% phá sản ngay sau đó.

“Sau rất nhiều kinh nghiệm, Israel phát hiện ra rằng, để tránh được điều này dự án khởi nghiệp cần học được cách “thoát”. “Thoát” có nghĩa là dự án khởi nghiệp sẵn sàng bán những thứ mình làm ra cho doanh nghiệp khác có tiềm lực tài chính lớn hơn nhằm phát triển ý tưởng được tốt hơn. Điều này rất quan trọng nếu biết, doanh thu thuần của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Israel đã “thoát” đang vào khoảng 4,3 tỷ USD/năm, trong số này có 8 doanh nghiệp đã niêm yết trên các sàn chứng khoán lớn trên thế giới, 70 doanh nghiệp khác đã có tổng giá trị lên tới hơn 4 tỷ USD”- ông Ili – Adry nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong quá trình khởi nghiệp, giai đoạn quan trọng nhất là nằm ở bước hình thành doanh nghiệp. Đây được gọi là “thung lũng tử thần” với doanh nghiệp khởi nghiệp, thường xảy ra trong vòng 18-24 tháng đầu tiên, lúc này doanh nghiệp dễ bị thất bại nhất khi có nhiều nguy cơ đến từ vốn, đội ngũ. Tuy nhiên nếu có được sự hỗ trợ qua khỏi giai đoạn này dự án khởi nghiệp sẽ có nhiều khả năng thành công.

Theo ông, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, cần phải có số vốn đủ mạnh hãy nên khởi nghiệp, con số này ở Isarel là khoảng 1 triệu USD. Bên cạnh đó là cần có ý tưởng độc đáo, bởi nếu không thực sự khác biệt thì khi đưa sản phẩm ra thị trường chắc chắn sẽ thất bại. Không những thế, sản phẩm cần giải quyết được vấn đề thực tiễn, nếu không không nên hiện thực hóa ý tưởng để làm gì. Một yếu tố khác quan trọng không kém là các dự án khởi nghiệp cần phát triển đồng đều cả đội ngũ, tôi thường thấy ở Việt Nam nhiều dự án chỉ có 1 nhà sáng lập duy nhất và mình họ nghĩ ra ý tưởng, điều này rất nguy hiểm. Ở Isarel, nguyên tắc hàng đầu khi xem xét một dự án khởi nghiệp là xem năng lực của cả đội ngũ chứ không chỉ xét trên một cá nhân duy nhất.

“Điều cần thiết để Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển khởi nghiệp là cần tạo ra được hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong đó TP đóng vai trò quan trọng nhất để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua các biện pháp hỗ trợ vốn, chính sách cho nhà đầu tư đổ vốn vào các dự án. Mặt khác TP cũng cần tạo điều kiện để thiết lập các trung tâm nghiên cứu cho các công ty toàn cầu, riêng ở Tel Aviv đã có 300 trung tâm như vậy, điều này hỗ trợ rất nhiều cho các dự án khởi nghiệp”- vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo Infonet

Nguồn: khoinghieptre.vn