Bright Side ngày 7/8 tổng hợp những nghiên cứu về hoạt động của con người gây ảnh hưởng đến não bộ.
1. Đọc sách giúp rèn luyện trí não
Các nhà khoa học Oxford chứng minh rằng quá trình đọc sách giúp rèn luyện khả năng nhận thức, đồng thời kích thích những khu vực của não bộ vốn không được dùng vào thời điểm khác. Khi chúng ta đọc, máu đi vào khu vực não bộ có nhiệm vụ tập trung và nhận thức, đáng chú ý là điều này không xảy ra khi xem phim hay chơi điện tử.
2. Vẽ giúp cải thiện hoạt động của não bộ
Một nghiên cứu chỉ ra việc vẽ tranh và ngắm các tác phẩm nghệ thuật cải thiện tương tác giữa các khu vực não bộ, đồng thời làm chậm quá trình lão hóa của chúng. Các nhà nghiên cứu xem xét ảnh hưởng trên những người ở độ tuổi 62-70. Một nửa tham gia khóa lịch sử nghệ thuật và nửa còn lại tham gia khóa học vẽ. Kết quả, các thành viên lớp vẽ được kích thích não bộ nhiều hơn.
3. Lượng đường trong chế độ ăn uống ảnh hưởng đến trí nhớ
Ăn quá nhiều đường fructose khiến não hoạt động trì trệ, giảm khả năng học tập, ghi nhớ thông tin và tập trung. Điều này xảy ra là bởi việc dư đường trong cơ thể sẽ tàn phá những kết nối thần kinh trong não bộ.
Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng đường công nghiệp (trong đồ uống có ga, gia vị, nước sốt, đồ ăn trẻ em) gây hại nhiều hơn. Ngược lại, những thực phẩm chứa axit béo omega-3 (trong cá, dầu cá, các loại quả cứng) có lợi cho sức khỏe não bộ.
4. Mang thai thay đổi cấu trúc não bộ
Các nhà khoa học nghiên cứu được rằng việc mang thai làm giảm lượng chất xám trong các khu vực não bộ có nhiệm vụ nhận thức xã hội và khả năng thấu hiểu người khác. Điều này là cần thiết để cơ thể người mẹ tự thúc đẩy mối liên kết với con, hiểu được nhu cầu của đứa trẻ và chú ý đến những mối nguy có thể xảy ra từ bên ngoài.
5. Não bộ rất nhạy cảm với việc mất nước
Não chúng ta có gần 80% là nước. Do đó, việc giảm lượng nước dù chỉ khoảng 2% cũng làm giảm khả năng tập trung và chú ý, dẫn đến suy giảm trí nhớ ngắn hạn và ảnh hưởng các khả năng nhận thức khác.
6. Căng thẳng kéo dài ảnh hưởng xấu đến não bộ
Sự suy giảm về trí nhớ, khả năng học tập và tính tự chủ là hậu quả của tình trạng căng thẳng kéo dài. Bên cạnh đó, một người căng thẳng thường hay bồn chồn, khó chịu và dễ bị phân tâm.
7. Thiếu ngủ thường xuyên làm giảm trí nhớ
Các nhà khoa học từ Đại học California tại Berkeley đã tìm ra bằng chứng thuyết phục cho thấy thiếu ngủ có thể làm giảm trí nhớ và gây ra bệnh Alzheimer. Trong một giấc ngủ sâu vào ban đêm, các tế bào sẽ loại bỏ những chất độc hại gây nguy hiểm cho não bộ. Nếu một người không bao giờ ngủ đủ giấc, các tế bào não bộ sẽ dần bị tàn phá.
Nguồn: vnexpress.net