Ông Trần Tuấn Anh. |
Chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp tại thị trường Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Tài chính và Vận hành kênh mua sắm trực tuyến Shopee.vn cho hay: Tại thời điểm 2 năm trước đây, thương mại điện tử (TMĐT) hay kinh doanh online đã bắt đầu được nhắc đến nhiều tại các khu vực đô thị, tuy nhiên hoạt động mua bán qua mạng còn chịu nhiều hoài nghi.
Phần lớn người Việt Nam vẫn chuộng hình thức mua bán truyền thống, trực tiếp đến cửa hàng xem đồ, lắng nghe tư vấn từ người bán để chọn ra sản phẩm ưng ý nhất. Thỏa mãn được thói quen mua sắm này luôn là câu hỏi lớn cho các sàn TMĐT Việt Nam.
Đứng trước thực tế này, theo ông Trần Tuấn Anh, ngay từ ngày đầu tạo lập (tân binh Shopee ra mắt phiên bản dùng thử vào tháng 6/2015 và chính thức ra mắt tại Việt Nam từ tháng 8/2016), Shopee dựa trên ý tưởng rất đơn giản: tạo ra một nơi mua bán online đặc trưng phong cách Việt đồng thời đơn giản hóa mọi thao tác. Việc bắt đầu từ điện thoại di động cũng nhằm vào mục tiêu giúp người sử dụng có thể tiếp cận Shopee dễ dàng (ngoài ra, hiện Shopee đã có phiên bản web hoàn chỉnh – PV).
Qua đó, người dùng có thể lựa chọn cửa hàng bằng cách tham khảo độ uy tín, tốc độ trả lời hay chat trực tiếp với người bán để xem ảnh thực tế, hỏi ý kiến tư vấn, thậm chí là mặc cả. Shopee quyết tâm trở thành sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của TMĐT Việt Nam.
Ông Tuấn Anh khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng của Startup là ý tưởng, tuy nhiên ý tưởng mới chỉ là vế đầu, đáp ứng được nhu cầu thị trường mới là điều quyết định.
“Không nên lập tức đổ tiền vào quảng bá khi bạn thậm chí chưa chắc chắn sản phẩm có giá trị thực tế hay không. Một sản phẩm tốt thì tự nó phải có khả năng sinh tồn và được đón nhận từ thị trường. Khá nhiều Start up có ý tưởng hay nhưng ít giá trị thực tế hoặc quy mô nhu cầu thị trường quá nhỏ không đủ nuôi sống doanh nghiệp”, ông Tuấn Anh nói.
Theo ông Tuấn Anh, rất nhiều startup dễ mắc phải bẫy “tự hào về sản phẩm” dù đã thành công hay đang thất bại. Thị trường luôn luôn thay đổi, đặc biệt là TMĐT, nếu chúng ta quá cứng nhắcvới một ý tưởng, miệt mài đổ tiền mà không nhận định một cách tỉnh táo phản hồi của thị trường thì thất bại là chuyện chắc chắn xảy ra.
Giao diện Shopee. |
Đối với trường hợp Shopee, sau những thành công đầu tiên, đội ngũ Shopee đứng trước một câu hỏi quan trọng: “Nên ngay lập tức ra mắt chính thức hay hoàn thiện thêm sản phẩm?”
Vào thời điểm đó, Shopee đã lựa chọn tiếp tục cải thiện mô hình, phát triển theo định hướng hỗ trợ đảm bảo các khâu thanh toán, vận chuyển, quản lý đơn hàng. Một cá nhân khi có đơn hàng chỉ cần gói hàng, nhân viên vận chuyển sẽ đến tận nhà, giao hàng và tiền sẽ chuyển về tài khoản của người bán.
Chính việc cho rằng sản phẩm của mình chưa hoàn hảo đã giúp Shopee đưa ra chiến lược phù hợp.
Với bước chuyển mình đúng lúc, khi chính thức ra mắt ngày 8/8/2016, Shopee đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng người dùng. Thậm chí những người bán hàng online thành lập cộng đồng “Lập nghiệp với Shopee” (hiện tại có hơn 25.000 thành viên) để chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh online. Với 4 triệu lượt download, Shopee luôn nằm trong top đầu ứng dụng mua sắm được yêu thích.
“Luôn linh hoạt trong vận hành, sẵn sàng thay đổi để hoàn hảo là yếu tố kiên quyết giúp startup giữ vững tốc độ và bứt phá”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Nguồn: itcnews.vn